Phật Quang, 15 năm lạc thành - Phần I

ĐH Lý Kương

 

 Ngày Vu Lan năm 1988 Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Edmonton đã tưng bừng tổ chức Lễ Lạc Thành Chùa Phật Quang. Ngày Vu Lan 2003 đánh dấu 15 năm sinh hoạt Phật sự của Hội tại Chùa Phật Quang. Nhân ngày kỷ niệm 15 năm Lạc Thành của Chùa Phật Quang, chúng tôi mạo muội ghi lại sự hình thành của Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Edmonton và sự tạo dựng Chùa Phật Quang.
  Phật Giáo Việt Nam bắt đầu sinh hoạt tại thành phố Edmonton từ năm 1980. Trong suốt 23 năm thành lập Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Edmonton, 6 năm sinh hoạt Phật sự tại niệm Phật Đường, 2 năm xây cất Chùa Phật Quang, 15 năm sinh hoạt Phật sự tại Chùa Phật Quang là một thời gian dài ngót nửa thế kỷ, những hình ảnh sinh hoạt của Hội ngày càng lu mờ trong tâm khãm của mọi người, bài này đuợc viết lên theo ký ức trãi dài hơn 20 năm, nên có thể còn nhiều thiếu sót, chúng tôi xin qúy vị

 Cuối tháng 4 năm 1975, những người tị nạn VN đầu tiên đã được đón nhận trong các trại tị nạn trên đất Mỹ. Một số người tị nạn VN này đãõ tình nguyện đi tái định cư ở Canada, thành phố Edmonton đã đón nhận hơn 100 người VN đầu tiên đến định cư vào tháng 7, tháng 8 năm 1975.
Ba năm sau, năm 1978, bất chấp mọi hiểm nguy đến tánh mạng, số người vượt biên bằng đường biển, đường bộ đã ào ạt bỏ nước ra đi để tìm tự do. Đại Đức Thích Nguyên Tịnh là một trong số hàng trăm ngàn người tị nạn đó. Thày đã được chính quyền Canada tái định cư tại thành phố Edmonton năm 1980. Khi biết được Đại Đức Thích Nguyên Tịnh định cư tại  Edmonton, một số phật tử tìm đến Thầy để xin Thầy tổ chức các buổi lễ Phật hàng tuần để xoa dịu phần nào sự đau khổ, nổi nhớ thương người thân yêu còn kẹt lại ở quê nhà.
Năm 1980, sinh hoạt Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trong một căn phòng số 5 chật hẹp tại chung cư toạ lạc 10632-103 St., sau 5 năm người Việt đến định cư ở thành phố này. Các buổi lễ hàng tuần được tổ chức đều đặn, Phật tử chen chúc nhau tham dự lễã trong một căn phòng tuy chật chội nhưng rất ấm cúng và trang nghiêm. Một đồn mười, mười đồn trăm, càng ngày phật tử khắp mọi nơi kéo đến dự lễ càng đông, căn phòng vốn đã nhỏ hẹp nay không còn đủ chỗ cho Phật tử dự lễ hàng tuần
 Để giải quyết tình trạng chật chội này, mùa hè năm 1981, Thày Thích Nguyên Tịnh đi hái nấm thuê và dùng tiền kiếm được cùng với Phật tử chung nhau đóng góp để thuê mướn một căn nhà cũ, rộng rãi hơn tại 10113-122 St. để làm Niệm Phật Đường. Nay Phật sự cũng được nới rộng từ những buổi lễ cầu an, cho đến những ngày đại lễ như Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán v.v… đã được tổ chức tại đây để thoả mãn nhu cầu tâm linh của Phật tử. Tuy nhiên với số lượng Phật tử càng ngày càng gia tăng, Niệm Phật Đường vẫn không còn chỗ cho Phật tử đứng trong các ngày đại lễ, do đó trong các ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, Tết nguyên Đán, Ban Trị Sự phải thuê mướn các Hall lớn hoặc mượn các sân thể thao của các trường học Saint Joseph, Queen Mary Park, Victoria . . .  để tổ chức lễ mới có thể đón nhận một số lượng Phật tử đông đảo tham dự. Ngoài ra Hội còn hợp tác tổ chức các ngày đại lễ chung với các tôn giáo bạn.

Song song với các sinh hoạt phật sự, các anh chị em Phật tử cựu huynh trưởng Gia đình Phật tử đã từng sinh hoạt ở VN hăng hái thành lập Gia Đình Phật Tử Lộc Uyển, với hơn 50 đoàn sinh, sinh hoạt hàng tuần tại Niêm Phật Đường hầu tạo điều kiện cho các em đoàn sinh học hỏi Phật pháp, đồng thời hướng dẫn các em trong các buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời như đi cắm trại, chơi các trò chơi và nhất là dạy các em học chữ Việt. Gia đình Phật tử Lộc Uyển sinh hoạt hơn hai năm sau đó, khi Chùa Phật Quang bắt đầu xây dựng được cải danh thành Đoàn Phật Tử Phật Quang, sau cùng là gia đình Phật tử Phật Quang sinh hoạt được hơn 5 năm thì ngưng sinh hoạt.
 
Sinh hoạt Phật sự tại Niệm Phật đường càng ngày càng phát triển không ngừng, khi nơi chốn đã tạm ổn định, toàn thể phật tử muốn hợp thức hóa Phật giáo VN thành một tổ chức hợp pháp, có tiếng nói chính thức đối với chính quyền sở tại, Ban Đại diện Phật Giáo Việt Nam tại Edmonton được thành lập lúc ban đầu, nhưng sau đó danh xưng Ban Đại diện được cải danh “Hội Phật Giáo Việt Nam tại Edmonton” để phù hợp với luật lệ của chính quyền Canada. Bản Điều Lệ của Hội được soạn thảo và được Đại Hội Đồng biểu quyết thông qua ngày 29-3-1981 với tôn chỉ:
• Truyền bá và xiển dương giáo lý Phật Đà
• Lấy Lục Hòa làm châm ngôn, lấy Bát Chánh Đạo làm đường hướng sinh hoạt nhằm đạt đến Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn
• Mục đích của Hội nhằm truyền bá đạo Phật, bảo tồn tín ngưỡng, bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo tại Canada.
Là người Việt Nam, với bản chất hiền hòa, với tinh thần bất khuất, tự lực tự cường, toàn thể Phật tử đều muốn có một ngôi chùa lớn hơn theo khuông mẫu chùa Việt Nam, đồng thời cũng để giải quyết sự gia tăng đông đảo của Phật tử mà Niệm Phật đường không thể thoả mãn được vì vậy Đại Đức Thích Nguyên Tịnh và BTSõ thành lập Ủy Ban Xây Dựng Cơ Sở Đạo Tràng và một trương mục đặt biệt gọi là “quỹ xây dựng cơ sở đạo tràng” quỹ này chỉ được dùng để xây chùa trong tương lai, để gay quỹ này, Thày Thích Nguyên Tịnh thực hiện một số hộp gỗ nhỏ gọi là hộp Phước sương và vận động phật tử thỉnh hộp này về nhà để bỏ ống tiền xu tiền cắc được các cửa hàng thối lại mỗi khi đi chợ về, số tiền này dùng để xây Chùa trong sau này.

Song song với hộp phước sương Hội cổ động chương trình xây dựng cơ sở Đạo tràng bằng cách đi khắp thành phố của Tỉnh Alberta và các tỉnh lân cận có người Việt trú ngụ để quyên tiền xây chùa, ngoài ra Hội cũng đã tổ-chức 2 lần xổ số Tombola để gây qũy đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của toàn thể Phật tử. 
      Đầu năm 1985 quỹ xây dựng cơ sở đạo tràng có được 59.349$36. Để nhanh chóng tạo lên một ngôi Chùa riêng cho người Việt, Hội vận động lạc quyên lần thứ hai, tính đến cuối năm 1985 quỹ xây dựng cơ sở Đạo tràng lên đến 79.755$81, với  số tiền này khả dĩ thực hiện được giấc mơ mà toàn thể Phật tử đều ao ước. BTS họp liên miên để tìm phương pháp tốt nhất và ít tốn kém nhất trong việc xây chùa, và phân chia nhau đi tìm địa điểm để xây chùa, theo tinh thần các buổi họp, địa điểm xây chùa phải là nơi tương đối yean tịnh, không nằm trong trung tâm thành phố, cảnh vật chung quanh phải được thanh thoáng, không bị áng ngử bỡi các chướng ngại vật.
 Hai lô đất dân cư Duplex ở Millwoods tọa lạc tại góc đường 31 Avenue và 48 Street đã được BTS và PT chọn vì mặt trước là một công viên, bên cạnh công viên là hai trường học với bãi đậu xe rộng rãi (lúc ấy toàn khu này là đất trống chưa được khai thác, các dữ kiện lô đất biết được là căn cứ theo tài liệu quy hoạch của thành phố trong tương lai). Đây là lô đất lý tưởng để xây chùa, BTS liên hệ với thành phố để mua 2 lô đất này với điều kiện xin city cải đổi đất chung cư thành đất công cộng như vậy chúng ta mới xây chùa một cách hợp pháp. City chấp thuận sự thỉnh cầu của Hội (lúc bấy giờ đất trống rất nhiều, city muốn bán đất nhưng rất ít người mua, nên họ chấp thuận sự chuyển đổi hai lô đất dân cư này thành đất công cộng). Chùa Phật Quang được Ông Đoàn Hữu Khải (Calgary) phác họa, sau đó được chuyển cho công ty vẽ họa đồ chi tiết để lập thủ tục xin giấy phép xây cất.

Sau khi mua hai lô đất, số tiền còn lại chỉ đủ thuê mướn nhà thầu đào móng, và đúc béton dưới basement mà thôi. Nếu khởi công xây cất ngay, Hội không đủ tiền vì vừa phải trả tiền thuê mướn Niệm Phật đường vừa phải chi tiêu trong việc xây cất, Hội không gánh nổi chi phí và dự định tạm ngưng chương trình xây dựng cơ sở đạo tràng để tìm phương cách gây quỹ thêm rồi sẽ tiếp tục.


 Vì nhu cầu tu học, Đại Đức Thích Nguyên Tịnh phải rời Edmonton, Hội Phật Giáo VN Tại Edmonton cung thỉnh Ni Sư Thích Nữ Trí Định từ Toronto về Trụ Trì Niệm Phật Đường và tiếp tục chương trình xây dựng cơ sở Đạo Tràng mà Đại Đức đã đề ra.

 Lễ đặt viên đá đầu tiên xây Chùa Phật Quang được cử hành trong ngày đại  lễ Thượng Nguyên năm Bính Dần 23-02-1986 do Ni Sư Thích Nữ Trí Định làm chủ lễ, mặc dù tiết đông ngày hôm đó giá lạnh, gió tuyết tơi bời, bầu trời ảm đạm, tứ bề hoang vắng bao phủ một lớp tuyết sâu trắng xóa,  nhưng không làm sờn lòng người Phật tử với một quyết tâm  sắt đá, họ vẫn hân hoan cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa Phật Quang như không có việc gì xảy ra. Trong ngày hôm đó, Hội được sự khuyến khích, yểm trợ của các Hội đoàn, các tôn giáo bạn, các vị dân cử địa phương và nhất là toàn thể Phật-tử.
 Sau khi lễ đặt viên đá đầu tiên, Hội cho gọi thầu để để định giá hoàn thành ngôi chùa, ngoại trừ đường day điện do ĐH Vũ Hữu Nghị phụ trách, ống nước do ĐH Nguyễn Văn Sơn và Vương An Phước phụ trách, có nhiều nhà thầu đến bỏ thầu, một nhà thầu trúng thầu với giá khoảng 110.000$ (không nhớ rõ). Nhà thầu bắt đầu khởi công xây cất vào tháng 4/1986 đến tháng 7/1986 nhà thầu tuyên bố xập tiệm (bankruptcy) bỏ lại sau lưng một sự dỡ dang ngổn ngang đất cát, cây gỗ vương vãi đó đây đã gây cho Hội khó khăn không ít, thêm vào đó Hội bị hàng xóm thưa kiện ngăn trở việc xây chùa với lý do là xây chùa trong khu này sẽ tạo nên xe cộ đông đảo, không an toàn cho con em của họ. Bác Vũ Hữu Soạn, với tuổi già sức yếu phải đi thu nhặt từng mãnh ván vụn, phải dọn dẹp những sự bừa bãi mà nhà thầu gây ra.
    Với một hoài bảo tạo dựng một cảnh Chùa Việt Nam, với một niềm tin mãnh liệt, công cuộc xây đựng cơ sở đạo tràng không thể ngưng đọng tại đây. Không đủ tiền để thuê nhà thầu, BTS quyết định phân chia nhiệm vụ để tiếp tục công trình xây dựng, ĐH Võ Thừa phụ trách phần pháp lý và giao dịch, giải quyết vụ thưa kiện của hàng xóm, ĐH Vũ Hữu Nghị lo phần điện, ĐH Nguyễn Văn Sơn, Vương An Phước phụ trách ống nước, ĐH Nguyễn Duy Thể phụ trách đi dây âm thanh, ĐH Nguyễn Ánh thủ qũy, ĐH Phạm Tiến Chấn, Bác Vũ Hữu Soạn trông coi dọn dẹp và mời gọi các Phật tử thiện nguyện đến giúp, ĐH Lý Kương phụ trách tổng quát, mua và cung cấp vật liệu, vận động các phật tử thiện nguyện, Đoàn Phật Tử Phật Quang phụ giúp sau giờ làm việc và trong các ngày cuối tuần các phần việc còn lại mà nhà thầu bỏ dỡ như insolation, đóng vách, đóng sàn nhà, làm nhà bếp, v.v…..
 Hàng ngày, hàng tuần tiếng cưa gỗ, tiếng búa đóng đinh của hơn 20 thiện nguyện viên miệt mài làm việc trng một điều kiện không có sưởi ấm dưới mùa đông khắc nghiệt, nhưng trên nét mặt họ vẫn vui cười, hãnh diện vì đã góp công sức trong một việc làm có ý nghĩa: tạo dựng Chùa Phật Quang.
Phần tài chánh eo hẹp, phần thiều nhân lực, công việc hoàn tất chùa kéo dài ngót một năm, nhưng chỉ hoàn thành được 70 phần trăm. Để bớt gánh nặng trả tiền thuê Niệm Phật Đường, BTS quyết định dọn Niệm Phật Đường về đây. Mùa xuân 1987, lần đầu tiên người Phật tử được đón Giao Thừa tại Chùa Phật Quang rộng rãi, thoải mái, tuy chưa được tiện nghi hoàn toàn trong một niềm hãnh diện, hân hoan.

 


Với phương châm có tiền tới đâu thì xây dựng đến đó, nhưng một lần nữa Phật tử và cộng đồng người Việt không nỡ nhìn thấy một công trình đang tiến triễn mà bị khựng lại vì hết tiền, nên họ một lần nữa đã tích cực vận động đóng góp, cúng dường nhân lực, tài lực cho đến khi ngôi Chùa Phật Quang hoàn tất và được khánh thành vào ngày Vu Lan năm 1988, sự kiện trên đã chứng tỏ sự quyết tâm của toàn thể Phật tử Edmonton và cộng đồng người Việt khắp nơi đã hưởng ứng tích cực trong việc tạo dựng Chùa Phật Quang của người Việt Nam. Chúng ta có quyền hãnh diện là Chùa Phật Quang được tạo dựng bỡi đồng tiền mồ hôi nước mắt của người Việt chúng ta mà không có sự giúp đỡ tài chánh của chính quyền. Chùa Phật Quang là Chùa của tất cả ngưòi Việt chúng ta.

 Sau hơn 23 năm sinh hoạt Phật sự, 6 năm tại Niệm Phật Đường tại goác đường 122 St. và Jasper Ave, 17 năm tại Chùa Phật Quang, Hội Phật Giáo Việt Nam không ngừng tu bổ và kiến tạo ngôi Chùa ngày thêm khang trang như:

- Làm hàng rào xung quanh chùa
- Lót gạch dưới Basement
- Xây cổng Tam quang
- Thỉnh Tượng Đức Thích Ca tại Việt Nam
Thỉnh hai tượng Quán Thế Âm tại Việt Nam.
- Đại tu bổ bên trong và bên ngoài Chùa v.v..

Sự trưởng thành và lớn mạnh của Hội Phật Giáo Việt Nam tại Edmonton là nhờ sự đóng góp tích cực của toàn thể phật tử, cộng đồng người Việt tại Edmonton, và của quý đạo hữu, của quý Chư Tăng Ni, của qúy vị lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng.

Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Edmonton chân thành cảm tạ và ghi ân công đức đóng góp của toàn thể qúy vị trong suốt 23 năm qua.

Nam Mô Hoan Hỷ tạng Bồ Tát ma Ha Tát.

    Trong suốt 23 năm thành lập Hội, 17 năm tạo dựng Chùa Phật quang là một thời gian quá dài, nên chúng tôi không thể nhớ hết tất cả những người đã đóng góp cho Hội, vì vậy xin quý vị miễn chấp cho sự thiếu sót nhất là danh tánh các mạnh thường quân, các vị thiện nguyện.

Tiếp theo nay tôi xin được gìới thiệu thành Phần Ban Trị Sự từ 23 năm trưóc cho đến ngày hôm nay:

1. Đại Đức Thích Nguyên Tịnh, nguyên Trụ trì Niệm Phật Đường kiêm Hội Trưởng HPGVN/EDMONTON
2. Ni Sư Thích Nữ Trí Định, nguyên Trụ trì Chùa Phật Quang kiêm Hội Trưởng HPGVN/EDMONTON
3. Đại Đức Thích Hạnh Cần, nguyên Trụ Trì Chùa Phật Quang kiêm Hội Trưởng HPGVN/EDMONTON
4. Cố Tỳ Kheo Thích Pháp An, nguyên Cố Vấn Hội HPGVN/EDMONTON và nguyên Trụ Trì Chùa Phật Quang
5. Bác Vũ Hữu Soạn, BC, nguyên Phó Hội Trưởng Nội Vụ HPGVN/Edmonton
6. Bác Huỳnh Đức Đường, nguyên Phó Hội Trưởng Nội Vụ HPGVN/Edmonton
7. ĐH Lê Trung Quốc, BC, nguyên Phó HT Ngoại Vụ HPGVN/Edmonton
8. ĐH Nguyễn Văn Cho BC, nguyên Tổng Thư Ký HPGVN/Edmonton
9. ĐH Văn Minh Phước, nguyên Ủy viên HPGVN/Edmonton
10. ĐH Nguyễn Tùng, nguyên Ủy viên HPGVN/Edmonton
11. ĐH Nguyễn Hữu Lợi, nguyên Phó Hội Trưởng Nội Vụ HPGVN/Edmonton
12. ĐH Võ Ngọc Khôi, nguyên Ủy viên HPGVN/Edmonton
13. ĐH Trịnh Hoài Phương, nguyên Phó HT Ngoại Vụ HPGVN/Edmonton
14. ĐH Nguyễn Thanh Khải, nguyên HT HPGVN/Edmonton
15. ĐH Phan Văn Trung, nguyên Phó HT Nội Vụ
16. ĐH Huỳnh Đức Đường, nguyên Phó HT Nội Vụ
17. ĐH Trần Tăng, nguyên cố vấn, ủy viên lạc quyên xây dựng cơ sở Đạo tràng
18. ĐH Vũ Hữu Nghị, nguyên Thủ Qũy
19. ĐH Phạm Tiến Chấn, nguyên Phó HT Nội Vụ
20. ĐH Nguyễn Duy Thể,  , nguyên Phó HT Nội vụ
21. ĐH Vũ Hữu Thiện, nguyên Thơ ký
22. ĐH Nguyễn Kim Dần, nguyên cố vấn, Ủy viên
23. Cố ĐH Phạm Thị Kim Chi, nguyên Ủy viên Xã Hội
24. ĐH Vân Wong, nguyên Thủ Quỷ
25. ĐH Lang Trần, nguyên Thủ Qũy HPGVN/Edmonton
26. ĐH Nguyễn Văn Như, nguyên Thủ Qũy HPGVN/Edmonton
27. ĐH Võ Thừa, nguyên Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ HPGVN/Edmonton
28. ĐH Dư Khánh Vân, nguyên Thủ Qũy HPGVN/Edmonton
29. ĐH Nguyễn Hùng Anh, nguyên Phó Hội Trưởng Nội vụ
30. ĐH Lê Đăng Hoàng, nguyên Ũy viên Kiến Tạo Chùa Phật Quang.
31. ĐH Huỳnh Thọ, nguyên Liên Đoàn Trưởng GĐPT Lộc Uyển
32. ĐH Phan Vĩnh Đức, nguyên Liên Đoàn Trưởng GĐPT Lộc Uyển
33. ĐH Phạm Văn Trung, nguyên And Liên Đoàn Trưởng Đoàn PT Phật Quang
34. ĐH Nguyễn Bá Kỳ, nguyên Liên Đoàn Trưởng GĐPT Phật Quang

Và còn rất nhiều, rất nhiều ĐH khác đã góp công góp của trong lúc xây dựng Chùa Phật Quang mà chúng tôi không thể nhớ hết và chúng tôi xin nhấn mạnh ở đây là những gia đình hoặc cá nhân đã không quãn ngại dầm mưa, đội tuyết tích cực làm việc ngày đêm để hoàn tất Chùa Phật quang đúng theo thơiø gian ấn định để có thể dọn Niệm Phật Đường về Chùa Phật Quang một cách mỹ mãn đó là:

- Bác Vũ Hữu Soạn và toàn thể gia đình như các ĐH Vũ Hữu thuyết, Vũ Hữu Nghị, Vũ Hữu Hiền, Vũ Hữu Thiện v.v..
- Gia đình ĐH Lý Kương
- Gia đình ĐH Võ Thừa
- ĐH Nguyễn Ánh
- ĐH Phạm Tiến Chấn và gia đình
- Cố ĐH Tô Bỉnh Khem
- ĐH Phạm Văn Trung và Đoàn PT Phật Quang.
- Đặc biệt hai phần việc quan trọng trong lúc xây Chùûa đã tiết kiệm rất nhiều cho ngân quỹ của Chùa là phần đìện và ống nước, ống cống. Phần điện trong chùa đã do ĐH Vũ Hữu Nghị phụ trách. Phần ống nước và ống cống do ĐH Nguyễn Văn Sơn và ĐH Vương An Phước phụ trách.

 Sau đây chúng tôi xin được lược trình quá trình thành lập Hội Phật Giáo VN Tại Edmonton và tạo dựng Chùa Phật Quang, phần trình bày này chúng tôi cố gắng gom góp những ký ức trãi dài hơn 20 năm qua nên có thể có nhiều điểm thiếu sót và có thể không chính xác xin qúy vị miễn chấp.

 

 

Sinh Hoạt Việt Ngữ Hằng Tuần cho các trẻ em và thanh thiếu niên, xin liên lạc với thày Thi, cô Yến, và cô Đông. Muốn biết thêm chi tiết xin xem thêm trong trang Thông Báo.

Xem bài vở cũ Báo Xuân Hoa Sen 2019 On Line, đã được phát hành cách nay vài năm. Xin quý vị bấm vào link để xem, bài vở phong phú với nhiều bài viết giá trị đã đăng trước đây.