Ảnh: MGĐ
Ảnh: MGĐ

Gạo lức muối mè

So với gạo trắng, gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng nhưng lại khó ăn hơn. Gần đây, phong trào ăn gạo lứt trị bệnh cũng dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên hầu hết vẫn ăn theo lời đồn mà ít ai hiểu đúng những công dụng cũng như cách ăn của loại thực phẩm dân dã này.

 

Ngũ cốc giàu dinh dưỡng

 

Theo tài liệu của viện Dinh dưỡng quốc gia, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong. Nhờ vậy, hạt gạo rất giàu chất xơ và có nhiều dưỡng chất quan trọng: các loại vitamin (B1, B2, B3, B6…), canxi, sắt, kẽm. Lượng đạm được giữ lại cũng khá cao (7,6% đạm/100g gạo). Phương pháp ăn gạo lứt, muối vừng trịbệnh được coi là công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật. Sau khi được tổ chức Y tế thế giới công nhận, phong trào ăn loại thực phẩm này nhanh chóng lan ra nhiều nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, gạo lứt nói chung có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Do đó không riêng gì người bệnh mà người khoẻ mạnh cũng nên ăn để phòng ngừa bệnh tật. “Tuy nhiên nếu là thanh niên đang tuổi lớn thì hạn chế ăn với muối vừng vì sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như khi ăn với cá thịt, rau củ. Riêng với những người mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… thì gạo lứt, muối vừng thật sự là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khoẻ”, bà Lâm nhấn mạnh.

 

Ăn chậm, nhai nhuyễn

 

Do cũng là ngũ cốc như gạo trắng nên cơm gạo lứt có thể ăn với các đồ ăn kèm khác mà không kiêng kị gì. Tuy nhiên nếu nhằm mục đích trị bệnh thì phải ăn với muối vừng vì trong đó có lượng dầu thực vật cung cấp axít béo không no (tạo cảm giác no ảo) cần thiết cho người ăn. Nguyên tắc ăn là một chén cơm gạo lứt trộn đều với hai muỗng cà phê muối vừng. Có thể ăn bất kỳ lúc nào, trừ trước lúc đi ngủ hai tiếng. Trong quá trình ăn, nên nói “không” với các loại thực phẩm khác. “Khi ăn phải nhai chậm và kỹ để nước miếng tiết ra thật nhiều quyện với cơm giúp cho việc tiêu hoá được tốt. Nhai nhuyễn cũng sẽ giúp người ăn có cảm giác cơm thơm, ngọt hơn”, bà Lâm cho biết.

Cũng theo chỉ dẫn của bà Lâm, trước khi nấu nếu ngâm gạo trong nước ấm một lúc, sẽ đánh thức được thêm một số chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên cần lưu ý, vì gạo lứt có quá nhiều chất dinh dưỡng nên ăn sẽ lâu tiêu hơn cơm bình thường. “Tốt nhất chỉ những người đã trưởng thành hãy nên ăn. Còn trẻ em thì không nên, vì quá trình tiêu hoá chậm hơn người lớn”, bà Lâm nói.

 

Cách nấu gạo lứt, muối mè

 

Cho một chén gạo lứt + hai chén nước lạnh + 1/4 muỗng cà phê muối vào nồi, khuấy đều, đậy nắp thật kín. Sau 15 phút, hạ lửa riu riu đến khi cơm chín.

Vừng đen cho vào nước rửa sạch, phơi khô. Rang trên lửa nhỏ, khuấy liên tục. Đến khi mè nổ lách tách là chín. Cho vừng nguội vô cối nghiền (không phải giã) với muối theo tỷ lệ một muỗng cà phê muối với 14 - 20 muỗng mè.

 

Nguồn: Mạng vi tính

 

Sinh Hoạt Việt Ngữ Hằng Tuần cho các trẻ em và thanh thiếu niên, xin liên lạc với thày Thi, cô Yến, và cô Đông. Muốn biết thêm chi tiết xin xem thêm trong trang Thông Báo.

Xem bài vở cũ Báo Xuân Hoa Sen 2019 On Line, đã được phát hành cách nay vài năm. Xin quý vị bấm vào link để xem, bài vở phong phú với nhiều bài viết giá trị đã đăng trước đây.